Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Màn Ảnh » Sau thành công với 'Thưa Mẹ Con Đi,' nhà sản xuất Nguyễn Lương Hằng ấp ủ gì cho dòng phim độc lập ở Việt Nam?

Vừa qua, Saigoneer đã có dịp trò chuyện với nhà làm phim trẻ Nguyễn Lương Hằng về nền điện ảnh độc lập Việt Nam nói riêng và ở châu Á nói chung. 

Ở thời điểm hiện tại, Lương Hằng vẫn di chuyển qua lại giữa Sài Gòn và Texas. Gần đây, cô đã tham gia chương trình Ties That Bind do LHP Viễn Đông (FEFF) tổ chức tại thành phố Udine ở miền Bắc nước Ý. Vốn là một liên hoan phim tập trung quảng bá điện ảnh thương mại Châu Á, FEFF gần đây đã mở rộng các hoạt động của mình và tạo điều kiện cho các nhà làm phim châu Á và châu Âu kết nối với nhau thông qua Ties That Bind. Chương trình kéo dài 12 tháng và hầu hết các sự kiện đều được thực hiện trực tuyến do hạn chế đi lại trong thời kỳ đại dịch.

Poster giới thiệu của LHP FEFF ở Ý.

Đến với sự kiện trong khuôn khổ Ties That Bind diễn ra từ ngày 30/6 đến 2/7, Lương Hằng giới thiệu dự án mới nhất của mình là bộ phim tâm lý thuộc đề tài LGBT với tên gọi Youthfully Yours

“Chúng mình muốn nắm bắt những cơ hội mới và nhận được sự tài trợ từ các nhà đầu tư để tiếp tục bứt phá trong các dự án nghệ thuật,” cô cho biết.

Đạo diễn và nhà sản xuất phim Nguyễn Lương Hằng.

Bảy năm về trước, Nguyễn Lương Hằng bước chân vào ngành điện ảnh khi cô tham gia vào một đoàn quay phim để học hỏi kinh nghiệm. Sau khi nắm giữ cương vị đạo diễn của một số phim ngắn — trong đó có The Story of Us (Câu Chuyện Của Chúng Ta, 2014) từng được trình chiếu tại LHP Focus on Asia tại Fukuoka năm 2016 — cô tập trung sản xuất phim điện ảnh đầu tay Thưa Mẹ Con Đi vào năm 2019. Bộ phim đã nhận được phản hồi tích cực từ các nhà phê bình lẫn đông đảo khán giả.

Thưa Mẹ Con Đi là một trong những bộ phim thuộc đề tài LGBTQ+ đầu tiên của Việt Nam chạm ngõ các liên hoan phim quốc tế. Tác phẩm từng được trình chiếu tại LHP Quốc tế Busan (BIFF) danh giá của Hàn Quốc, và giành được Giải thưởng Audience Award (Phim hay nhất do khán giả bình chọn) tại LHP Quốc tế Châu Á Toronto Reel. Bộ phim cũng đã được lựa chọn để phát hành trên nền tảng Netflix.

Lương Hằng hy vọng rằng trong tương lai sẽ có thêm nhiều nhà làm phim độc lập của Việt Nam tham dự các liên hoan phim quốc tế và thử sức với những chương trình hợp tác sản xuất phim giữa các quốc gia. Cùng với Ties That Bind và Focus Asia của FEFF, các liên hoan phim khác cũng bắt đầu tham gia xu hướng này và tổ chức các hoạt động tương tự, có thể kể đến như Diễn đàn Tài chính Phim ảnh Hồng Kông-Châu Á của LHP Quốc tế Hồng Kông và Quỹ Điện ảnh châu Á của BIFF.

Cô tin rằng ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, và ngoài những bộ phim bom tấn đang chiếm lĩnh thị phần lớn nhất tại các phòng vé thì vẫn có cơ hội cho dòng phim độc lập tiếp cận khán giả. Tuy bận rộn tham gia các hoạt động của FEFF, Lươn Hằng đã dành thời thời gian để trò chuyện với chúng tôi về quá trình sản xuất phim và những hy vọng của cô cho bộ phim mới cũng như nền điện ảnh Việt Nam.

Bộ phim điện ảnh đầu tay của Hằng, Thưa Mẹ Con Đi, đã ra đời như thế nào?

Thật ra bộ phim này là một dự án hợp tác giữa mình với một người bạn thân là biên kịch Nhi Bùi. Lần đầu tiên khi nghe anh giới thiệu nội dung kịch bản thì mình đã bị thu hút ngay lập tức, thậm chí mình còn có thể hình dung ra cảnh kết của bộ phim nữa. Câu chuyện thực sự khiến mình xúc động. Trước đây mình chưa bao giờ nghĩ bản thân sẽ làm một nhà sản xuất phim vì mình chỉ quen với công việc đạo diễn hoặc viết kịch bản thôi. Nhưng lúc đó thì mình thực sự muốn câu chuyện được dựng thành phim và cũng cảm thấy bản thân có những kỹ năng phù hợp với vai trò sản xuất. Vì vậy, mình đã quyết định kết nối những người sẽ thực hiện bộ phim này với các bên có thể có hứng thú đầu tư, và tất cả bắt đầu từ đó.

Quá trình thực hiện phim diễn ra như thế nào?

Mọi việc đều khá thuận lợi cho cả hai phía. Ngoài ra, một phần lý do khiến mình bị lay động bởi câu chuyện chính là ở đề tài. Trong kịch bản này, chủ đề LGBT đã được thể hiện một cách rất nhẹ nhàng và gần gũi với trái tim người xem. Mối quan hệ của những người trong cộng đồng LGBT với gia đình của họ cũng được truyền tải hết sức trung thực. Mình nghĩ đó là lý do tại sao bộ phim được khán giả ở khắp nơi đón nhận.

Thưa Mẹ Con Đi được nhiều khán giả đón nhận nhờ vào câu chuyện nhẹ nhàng, cảm động về một gia đình Việt trong quá trình chấp nhận mối quan hệ đồng tính của người thân.

Bạn có thể chia sẻ quan điểm của mình về dòng phim độc lập ở Việt Nam hiện nay?

Một vài năm trước, bọn mình đều cho rằng sẽ có rất ít cơ hội. Những bộ phim ăn khách thường là phim hài, hài lãng mạn, kinh dị hay những dòng phim tương tự như vậy. Nhưng từ khoảng năm 2017–2018, Việt Nam xuất hiện một làn sóng mới của dòng phim độc lập. Mọi người bắt tay vào làm phim và cùng lúc tìm cách để đưa phim của họ đến với công chúng. Mình nghĩ Thưa Mẹ Con Đi cũng sinh ra từ làn sóng này. Những nỗ lực ấy đã có hiệu quả và mở ra rất nhiều cánh cửa cho những tài năng mới trong lĩnh vực đạo diễn và sản xuất. Tương lai cho dòng phim độc lập của Việt Nam giờ đã tươi sáng hơn nhiều so với vài năm trước đây.

Làm phim độc lập có mang lại lợi nhuận không?

Thực tế là không được như vậy và đôi khi, bọn mình còn không thể thu hồi được số tiền đã bỏ ra nữa. Nhưng mặt tốt ở đây là những dự án như vậy đã bắt đầu tạo được sức thu hút với truyền thông vì dám khai thác những khía cạnh mới mẻ, từ đó mở ra nhiều hi vọng cho dòng phim này. Nền điện ảnh nước nhà vẫn có những tác phẩm mới lạ đáng chú ý bên cạnh những nội dung quá quen thuộc trên màn ảnh rộng.

Điều gì đã đưa Lương Hằng đến với chương trình Ties That Bind?

Đây là lần đầu tiên mình biết tới khái niệm "hợp tác sản xuất phim trên quy mô quốc tế" nên cảm thấy rất mới lạ, đặc biệt là việc hợp tác với các tổ chức và nhà làm phim từ châu Âu. Thưa Mẹ Con Đi có nguồn vốn Việt Nam 100%, nhưng khi cân nhắc đến sự nghiệp cá nhân ở thời điểm này, bọn mình đều muốn tiến xa hơn nữa và thử sức với những chủ đề táo bạo hơn. Và nguồn vốn của các nhà đầu tư tư nhân sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho những dự án táo bạo và có tính nghệ thuật cao. Ở Việt Nam rất khó để xin kinh phí, mà nhà nước cũng chưa có nguồn tài trợ nào cho những dự án như của bọn mình. Cho nên, cách duy nhất để thực hiện những dự án như vậy là hợp tác với các tổ chức nước ngoài và châu Âu có vẻ là vùng đất hứa dành cho chúng mình.

Giờ đây, thị trường trong nước đã có nhiều cơ hội hơn cho các dự án phim độc lập như Thưa Mẹ Con Đi.

Có phải ngày càng có nhiều nhà làm phim độc lập Việt Nam vươn ra thế giới?

Thực ra thì mình không nghĩ là có nhiều bạn làm phim biết đến các nguồn hỗ trợ này. Có lẽ mình nên chủ động giới thiệu các chương trình như thế cho những người đồng nghiệp của mình. Nhìn chung thì, mọi người thường chỉ tìm cách tìm kiếm tài trợ trong nước, nhưng đó không phải là cách duy nhất.

Lương Hằng có thể chia sẻ chi tiết hơn về dự án của của bạn trong chương trình Ties That Bind cũng như quá trình thực hiện của dự án.

Đầu tiên thì bọn mình nộp hồ sơ dự án, trong đó bao gồm tóm tắt cốt truyện và kinh phí dự trù, cũng như một số thông tin chi tiết khác, để ban tổ chức xem xét. Khi được chọn rồi thì bạn sẽ có cơ hội để chỉnh sửa và sau đó trình bày dự án của mình với một nhóm các nhà lãnh đạo, chuyên gia trong ngành và các nhà làm phim cùng tham gia chương trình. Họ sẽ đánh giá và góp ý về mặt ý tưởng, sản xuất hay kinh phí của dự án. Việc có được ý kiến từ cả hai phía giúp chúng mình có cái nhìn tổng quát hơn, từ đó hiểu rõ hơn về cả điểm mạnh và điểm yếu ở các mặt, từ kế hoạch sản xuất cho đến vấn đề kinh phí. Mỗi người đều có hiểu biết nhất định và có thể đóng góp để xây dựng dự án của bạn dựa trên kinh nghiệm và nền tảng của họ. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời, nhờ những đóng góp đó mà dự án của bọn mình đã phát triển hơn nhiều so với năm ngoái. Mình cũng học được cách trình bày dự án và cách cải thiện hồ sơ dự án khi mang đi giới thiệu. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều thứ mình cần trau dồi để có thể mang đến những dự án tốt hơn nữa.

Vậy giờ Hằng có thể giới thiệu cho độc giả Saigoneer về dự án mà bạn đang thực hiện tại Ties That Bind không?

Dự án của bọn mình có tên tiếng Anh là Youthfully Yours, kể về một người đàn ông từng bỏ rơi người yêu của mình khi cô đang mang thai đứa con của anh. Và rồi anh ta không bao giờ biết đứa bé đó ở đâu, là con trai hay con gái. Sau khi trải qua rất nhiều chuyện trong cuộc sống, anh ta đang phải đối mặt với khủng hoảng tâm lý tuổi trung niên, và cũng vào lúc này, anh đột nhiên gặp lại người yêu cũ. Câu chuyện là cơ hội làm lại cuộc đời cho một người đàn ông đã phạm nhiều lỗi lầm trong quá khứ và đang phải đối diện với cơn khủng hoảng tâm lý, anh sẽ bước vào hành trình tìm lại chính mình và học cách làm một người cha sau rất nhiều năm bỏ bê trách nhiệm này.

Dự án có nhận được phản hồi tích cực không?

Rất vui khi dự án của mình được cho là có tiềm năng. Mặc dù mình và anh đạo diễn đều ý thức được rằng sẽ có rất nhiều thử thách trên hành trình này, nhưng có vẻ những bước đi ban đầu đều khả quan và nhờ đó chúng mình có động lực để kiên trì bước tiếp.

Bài phỏng vấn đã được giản lược và biên tập để nội dung được cô động hơn. 

Tác giả Vũ Hải Anh hiện đang tham gia khóa đào tạo biên kịch và phê bình phim của FEFF. 

Bài viết liên quan

in Màn Ảnh

Hành trình vực dậy tình yêu điện ảnh của đạo diễn trẻ Lê Lâm Viên

Năm 12 tuổi, Lê Lâm Viên lần đầu tiên được trải nghiệm cảm giác xem phim tại rạp chiếu bóng. Ngay lập tức, cậu bé thấy mình như được “dịch chuyển” đến một chiều không gian khác — một thế giới mà kể từ...

in Màn Ảnh

Bộ phim Việt sản xuất năm 1974 ra mắt khán giả online sau nhiều thập kỷ 'đắp chiếu'

Câu chuyện bắt đầu vào năm 2009, tại buổi hội thảo dành cho người thất nghiệp được tổ chức ở Sydney, Úc do tôi chủ trì.

in Màn Ảnh

'Bên Trong Vỏ Kén Vàng': Suy niệm về đức tin trên hành trình 'tìm hồn' giữa xứ sương mù

Song hành trong giới điện ảnh chiêm nghiệm với những cái tên như Andrei Tarkovsky, Thái Minh Lượng và Theo Angelopoulos, Phạm Thiên Ân và cuốn phim đầu tay của anh, Bên Trong Vỏ Kén Vàng (tựa tiếng An...

in Xê Dịch

Chào Mừng Đến Urbanist Travel

in Văn Hóa Ẩm Thực

Chả rươi: Món ngon kinh dị nức tiếng của đất Bắc

Khi Hà Nội bước vào những ngày tiết trời mát mẻ của mùa Thu, người ta bắt đầu ngóng chờ được thưởng thức một món ăn ngon mà chỉ mùa này mới có. Đó chính là chả rươi.

Chris Humphrey

in Ao Người

Cuộc sống lênh đênh của cộng đồng người Việt tại làng nổi ở Campuchia

Làng nổi Chong Kneas, cách Siem Reap 15km về phía Nam, là một trong nhiều làng nổi tại Biển Hồ Tonle Sap, thuộc lãnh thổ Campuchia. Ngôi làng đặc biệt này là nơi sinh sống của hàng ngàn hộ dân, mà tro...