Sài·gòn·eer

Back Đồng Sáng Tạo » Đồng Sáng Tạo » Mekong Plus mang ‘màu áo mới’ tới vùng quê còn khó khăn của miền Tây [phần 1]

Sống giữa tiện nghi và phồn hoa phố thị, đôi khi ta quên mất rằng xung quanh mình vẫn còn bao hoàn cảnh khó khăn. Đâu đó, ta vẫn bắt gặp hình ảnh người mẹ tần tảo để nuôi con ăn học, hay người cha rời xa quê hương để đi tìm việc làm; rồi những gia đình lao đao vì bệnh tật hiểm nghèo và những em bé còn thiếu cả dụng cụ vệ sinh cá nhân.

Gần đây, Saigoneer đã có dịp ghé thăm huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, một vùng quê tươi đẹp ở Đồng bằng Sông Cửu Long, để tìm hiểu thêm về đời sống của các hộ nghèo nơi đây, cũng như những nỗ lực không ngừng của người dân và các tổ chức trong việc xóa đói giảm nghèo.

Khởi hành từ Sài Gòn, chúng tôi đến Long Mỹ vào giữa trưa và được chào đón bởi đội ngũ Mekong Plus, một tổ chức với hơn 25 kinh nghiệm trong công tác phát triển nông thôn. Trong hai ngày tiếp theo, chúng tôi cùng các thành viên sẽ di chuyển bằng xe đạp đến thăm một trong rất nhiều chương trình hợp tác giữa Mekong Plus và trung tâm Ánh Dương, một tổ chức phi phủ tại tỉnh Hậu Giang.

Mekong Plus hiện đang thực hiện nhiều dự án trên bốn huyện của tỉnh Hậu Giang và ở Campuchia. Trong đó, những hoạt động có quy mô lớn nhất là ở Long Mỹ. Khi ăn trưa cùng nhau, chúng tôi được biết tổ chức có hơn 20 thành viên đều sinh ra và lớn lên tại Long Mỹ. Nhờ đó Mekong Plus có hiểu biết sâu rộng về những con người và cộng đồng mà họ đang hỗ trợ.

Đoàn chúng tôi di chuyển trên những chiếc xe đạp chắc chắn được làm từ thân tre. Điểm đến đầu tiên trong hành trình là nhà của chị Phú, một người dân Long Mỹ phải bươn chải nhiều nghề để kiếm sống. Chị từng may vá và bán bánh mì, nhưng thu nhập bấp bênh khiến chị rơi vào tình cảnh khó khăn về tài chính. Bước ngoặt của chị là khi gặp Mekong Plus và được học kỹ thuật làm mô hình thủ công bằng giấy bồi.

Với kỹ thuật này, chị Phú có thể tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau như búp bê, tượng, các vật dụng trang trí nhà cửa hay trưng bày dịp Giáng Sinh…, chỉ bằng keo hồ và giấy vụn thu thập được từ khu vực xung quanh. Sau đó, các thành phẩm của chị sẽ được bày bán tại cửa hàng Mekong Quilts ở Sài Gòn. Trước dịch, chị có thể kiếm được hơn 2,5 triệu đồng mỗi tháng từ việc chế tác thủ công. Các sản phẩm chủ yếu được bán cho khách nước ngoài qua các đơn đặt hàng riêng. Nhờ công việc này, chị Phú cùng hơn 100 người dân Long Mỹ đã có cơ hội để cải thiện thu nhập, hỗ trợ kinh tế gia đình và tạo điều kiện cho con em mình tiếp tục cắp sách tới trường.

Không chỉ ít được tiếp cận các dịch vụ y tế, người dân ở vùng nông thôn còn thiếu hụt kiến thức về chăm sóc sức khỏe. Hơn 10 năm trước, Mekong Plus đã bắt đầu đến thăm các trường học ở địa phương và phổ cập chương trình giáo dục sức khỏe được thiết kế riêng cho từng lứa tuổi. Chẳng hạn, các em cấp một sẽ được dạy cách để bảo vệ sức khỏe răng miệng. Lớn hơn một chút, các em cấp hai sẽ học về giáo dục giới tính. Hiện tại, đội ngũ giáo viên tại các trường đã được tập huấn phương pháp giảng dạy để có thể tự tin truyền đạt những kiến thức trên cho học sinh. Và hiện tại, khi chương trình đã đi vào quỹ đạo, Mekong Plus chỉ giữ vai trò cố vấn và giám sát thông qua các buổi tới thăm định kỳ.

Điểm đến thứ hai trong ngày hôm đó là Trường Mẫu giáo Vĩnh Thuận Đông, một đơn vị đã hợp tác với Mekong Plus trong nhiều năm qua. Chúng tôi đã đến kịp lúc để ghi lại khoảnh khắc các em học sinh hào hứng học cách đánh răng qua bài hát cùng những động tác vui nhộn. Sau đó, các em xếp từng hàng ngay ngắn để chơi trò “bán tạp hóa.”

Chị Đẹp là người quê ở Long Mỹ. Nhiều năm trước, chị cùng chồng và con chuyển đến Sài Gòn để sinh sống và làm việc. Khi gia đình chị quay về, căn nhà cũ ở quê đã bị hư hại. Cuộc sống của chị thêm chao đảo khi mắc phải chứng bệnh lạ khiến chị không thể lao động nặng nhọc được. May thay, nhờ có sự giúp đỡ của gia đình cùng khoản tài trợ từ Mekong Plus, chị đã xây dựng lại được mái ấm bằng kỹ thuật tiên tiến. Nhận được lời mời từ chị Đẹp, chúng tôi đến thăm ngôi nhà nhỏ này và lắng nghe chị chia sẻ về câu chuyện của mình cũng như những hy vọng về tương lai.

Các ngôi nhà ở Long Mỹ thường được lợp bằng mái tôn hoặc mái lá từ lá dừa nước. Ưu điểm của hai vật liệu này là đều có giá thành rất rẻ, nhưng mái lá thì không bền, còn mái tôn lại dễ hấp thụ nhiệt và gây tiếng ồn khi trời mưa. Mái nhà mới của chị Đẹp sử dụng các tấm lợp sinh thái của công ty Đồng Tiến. Sản phẩm được làm từ nhựa tái chế theo công nghệ mới nhất, không chỉ giữ cho ngôi nhà mát mẻ, yên tĩnh, mà giá cả cũng rất phải chăng. Thấy được các ưu thế nổi trội của loại vật liệu mới, hàng xóm của chị Đẹp cũng dần dần truyền tai nhau về phương pháp lợp mái này.

Có sự tương phản rõ rệt giữa đời sống của người dân Long Mỹ với thiên nhiên tươi đẹp, trù phú nơi đây. Dạo mắt nhìn khung cảnh xung quanh, chúng tôi thấy những cánh đồng lúa xanh rì lấp ló sau những hàng cây sai trĩu quả; những con kênh chảy róc rách đổ ra sông lớn. Chúng tôi quyết định nghỉ chân dưới bóng mát của một tán cây. Con đường đi hôm ấy vừa mới được xây lại, nên chúng tôi có thể thong dong tản bộ và tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên mà không phải lo sẽ vấp phải ổ gà, vũng nước hay hố bùn nào.

Trong những thập kỷ gần đây, hàng loạt công trình cầu đường đã được xây dựng ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, giúp người dân thuận tiện hơn trong việc đi lại, làm việc và học tập. Thế nhưng, chúng tôi vẫn phải bắt vô số chuyến phà trong chuyến đi tại Long Mỹ. Điều đó cho thấy cơ sở hạ tầng giao thông nơi đây vẫn cần được cải thiện rất nhiều. Khi mùa lũ đến, những con đường đất thường bị ngập lụt khiến việc đi lại giữa các xóm làng trở nên khó khăn. Dòng nước lũ không chỉ ảnh hưởng đến cơ hội đến trường của các em nhỏ, mà còn gây thiệt hại cho người nông dân, phải phụ thuộc vào thuyền bè để buôn bán nông sản.

Chính quyền địa phương hiện đang nỗ lực cải thiện và bảo trì đường sá, người dân cũng ra sức giúp đỡ về cả nhân lực lẫn tài lực. Nhờ có sự hỗ trợ tài chính từ nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, Mekong Plus cũng đang góp phần thúc đẩy công tác này. Đến nay, đơn vị này đã giúp huyện Long Mỹ hoàn thành 255 cây cầu và 165 ki-lô-mét đường bê tông.

Khi mặt trời lặn, Saigoneer quay trở lại khách sạn để kết thúc một ngày dài. Tuy thấm mệt nhưng ai cũng háo hức về chuyến đi vào hôm sau. Trên hành trình, chúng tôi sẽ ghé thăm khu chợ nổi và các đơn vị được tài trợ bởi chương trình hỗ trợ tài chính cho nông thôn. Chúng tôi vô cùng tò mò, không biết đó sẽ là mô hình nuôi trồng lươn và baba, nấm, hay khí ga sinh học? Lòng chúng tôi khấp khởi vui mừng khi lại sắp được chứng kiến những ý tưởng mới đang ươm mầm ngay trên miền đất Long Mỹ xinh đẹp này.

Phần 2 của bài viết sẽ được Urbanist đăng tải trong thời gian sắp tới.