Sài·gòn·eer

BackĂn & Uống » Văn Hóa Ẩm Thực » Nhiếp ảnh gia ẩm thực Đức Bùi chia sẻ cách trụ vững với nghề: ‘Hãy sống như một quả trứng’

Sau hơn sáu năm lăn xả cùng các shoot ảnh để mang những bữa tiệc thị giác chiêu đãi khán giả, nhiếp ảnh gia ẩm thực Đức Bùi đã ngồi xuống với Urbanist để chia sẻ những trải nghiệm của bản thân và kinh nghiệm bỏ túi cho các tài năng trẻ khi dấn thân vào công việc này.

Phép thử sáu tháng

Từng loay hoay với nhiều ngã rẽ khác nhau trong cuộc sống, anh chàng Đức Bùi để chọn thử sức với một lĩnh vực vẫn còn khá mới mẻ ở trong nước lúc bấy giờ: nhiếp ảnh ẩm thực. Ngày ấy, Đức Bùi không nghĩ rằng bước đi này sẽ giúp mình gặt hái nhiều quả ngọt trong sự nghiệp đến vậy. Chạm ngưỡng tuổi 30, chàng nhiếp ảnh gia sở hữu một porfolio đa dạng và đáng nể: từ những dự án chụp món ăn của các nhà hàng, khách sạn sang trọng như Mai House Saigon và La Maison 1988, đến những sản phẩm với độ nhận diện cao như bộ sưu tập “Ngọt” của Baemin và sữa chua trân châu của Vinamilk.

Chân dung Đức Bùi, chàng nhiếp ảnh gia ẩm thực tài năng.

Đức Bùi là một trong những nhiếp ảnh gia đầu tiên tại Việt Nam nghiêm túc với việc đưa ẩm thực lên vị trí “nàng thơ” trong các dự án của mình. Lựa chọn này được anh đưa ra từ một phép thử kéo dài sáu tháng, khi bản thân đang có một sự nghiệp kha khá ở lĩnh vực nhiếp ảnh chân dung, thời trang.

“Sáu tháng đó kể từ cơ hội thử sức đầu tiên, mình quyết định theo đuổi ngành này một cách hết sức nghiêm túc. Mình chìm đắm vào nó, sáng tạo với nó mà không hề quan tâm bất kỳ dự án nào thuộc lĩnh vực khác. Mình quyết định, nếu sau quãng thời gian tự gia hạn mà không có bất kỳ tiến triển gì thì sẽ quay lại con đường cũ.” Nhưng cuối cùng, cơ hội để quay lại đã không xảy ra.

Bộ ảnh Đức Bùi cùng ekip thực hiện cho Tanh Tách.

Với bước ngoặt từ sáu tháng thử nghiệm, Đức Bùi bị cuốn theo một hành trình nơi nhiệm vụ chính của anh là ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời nhất của món ăn. Công việc nghe tưởng đơn giản đó thực chất lại rất phức tạp, bởi trong cái định dạng 2D được xem là sản phẩm cuối cùng, người nhiếp ảnh gia phải làm bật lên cả kết cấu, hương vị và màu sắc. Từ đó, sức sáng tạo của đầu bếp mới được truyền tải chính xác, người xem cũng cảm nhận được khối sắc đa chiều của món ăn và khao khát được trải nghiệm nó. “Đây mới là công việc của một nhiếp ảnh gia ẩm thực,” Đức Bùi chia sẻ.

Bộ ảnh Food in Nature giúp Đức Bùi và đồng nghiệp thắng giải Iron tại cuộc thi và giải thưởng quốc tế A’ Design Award & Competition.

Cần nhiều hơn các kỹ thuật nhiếp ảnh

Miêu tả về đặc trưng của công việc của mình, Đức Bùi vui vẻ chia sẻ: "Đây này là nghề ‘được ăn, được nói, được gói mang về,’ vì mình được ăn thứ mình chụp, nói lên những ý tưởng cá nhân và gói ghém những sản phẩm hoàn thiện." Khác với một số trường phái nhiếp ảnh khác, người cầm máy ở bộ môn này không chỉ nắm vững kỹ thuật chụp hình, mà còn phải liên tục trau dồi kiến thức về ẩm thực để có thể xử lý gọn ghẽ từng nguyên liệu, từng món ăn; đồng thời làm giàu tư duy thẩm mỹ để chọn được góc độ và cách sắp xếp làm bật lên "cá tính” của món. 

Bộ ảnh Đức Bùi cùng ekip thực hiện cho Mai House Saigon.

Lĩnh vực này không đơn thuần là câu chuyện thuần nghệ thuật. Theo Đức Bùi, nhiếp ảnh ẩm thực chuyên nghiệp có thể được xem là một dạng “kinh doanh nghệ thuật.” Trong một chiến dịch hình ảnh, vai trò của nhiếp ảnh gia không dừng lại ở việc chụp, mà họ còn đề ra những hướng đi phù hợp, thậm chí gỡ rối các khúc mắc của khách hàng. “Đây cũng là cách mình để lại dấu ấn trong ngành,” anh khẳng định.

Gần bảy năm trong nghề, đối diện với không ít khó khăn, anh hiểu rõ bài học về việc cân bằng giữa sáng tạo nghệ thuật và yếu tố thương mại quan trọng như thế nào. Thế nhưng để áp dụng vào thực tế không phải lúc nào cũng dễ dàng. Bởi có lúc, tính nghệ sĩ trong anh cũng ngắn ngoải trước áp lực và tần suất công việc. 

Bộ ảnh Đức Bùi cùng ekip thực hiện cho Cowboy Jack's 500 Pizzeria.

Việc liên tục trải nghiệm những hương vị khác nhau khiến anh không thể quay về tận hưởng những món ăn một cách bình thường. “Sau một thời gian làm nghề, mình mất cảm xúc với thức ăn,” Đức Bùi kể. Việc mất cảm giác ngon miệng đích thực tạo nên rào cản không nhỏ trong việc khơi gợi cảm hứng từ khách hàng.

“Mình phải quay về với những điều căn bản nhất mà trước giờ chẳng ai dạy,” anh bộc bạch. Đức Bùi bắt đầu tìm hiểu lại bản chất của nguyên liệu, lắng nghe câu chuyện của người đầu bếp và những kĩ thuật để làm được những món ăn ngon. “Đôi khi mình cầm quả cà chua lên rồi soi từng chi tiết chỉ để tìm một góc cạnh đẹp nhất,” anh nói, “để rồi trở lại yêu thích đồ ăn với từng yếu tố nguyên sơ.”

Vietnam Airlines là một trong những khách hàng cao cấp mà ekip của Đức Bùi đã làm việc cùng.

Hãy sống như một quả trứng

“Cạnh tranh trong ngành bây giờ cao hơn bốn năm trước nhiều,” nhiếp ảnh gia chia sẻ. Anh kể tên ba loại cạnh tranh khác nhau trong lĩnh vực nhiếp ảnh ẩm thực. Đầu tiên và khắc nghiệt nhất có lẽ là phần giá cả. Khi làm việc với những đơn vị nhỏ hoặc tầm trung, các nhiếp ảnh gia dễ rơi vào cuộc đua hạ giá để tranh giành dự án.

Tiếp theo là cạnh tranh về dịch vụ, thường gặp phải khi khách hàng là doanh nghiệp với sản phẩm tiêu dùng nhanh như sản phẩm sữa, mì ăn liền. Và nếu tập khách hàng là những nhà hàng, khách sạn, resort lớn, có phong cách riêng thì sức cạnh tranh sẽ phụ thuộc vào chất lượng hình ảnh. Ekip nào sáng tạo, chỉn chu hơn thì sẽ tạo được ấn tượng tốt hơn.

Bộ ảnh Đức Bùi cùng ekip thực hiện cho Zion Sky Lounge Dining.

Đức Bùi nhận xét: “Ở mỗi phân khúc thì mình lại có một vấn đề riêng. Danh xưng càng ‘kêu’ và thù lao càng lớn thì áp lực càng nặng.” Anh tin nếu không cẩn thận, chính áp lực đó có thể nuốt chửng người chụp hình bất cứ lúc nào. Cũng từ những kinh nghiệm cá nhân mà Đức Bùi nhận ra rằng: “Mình nói với bản thân, trước 25 tuổi đừng lấy giá cao.” Trước 25 tuổi, hãy lấy một mức giá vừa đủ cho chi phí sống để có thể tự do cọ xát, tự do sáng tạo và có cơ hội được mắc lỗi. Từ đó, làm dày kinh nghiệm làm nghề cũng như tô điểm cho portfolio cá nhân.

“Sản phẩm luôn có tiếng nói hơn bất kì điều gì.” Đến một lúc, khi sản phẩm có chất lượng tốt, chính nó sẽ tự lớn tiếng nói với tất cả mọi người rằng đây là thành phẩm của một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. “Đấy là lúc danh tiếng hay dự án lớn sẽ tự tìm đến.”

Với nhiếp ảnh gia trẻ tuổi, để có những tấm hình đẹp, người chụp phải hiểu cả câu chuyện đằng các món ăn. 

Cuối cùng thì, với Đức Bùi, ai cũng có thể chụp ảnh ẩm thực. Nhưng để nổi bật hơn trong ngành này, anh cho rằng người làm nghề nên trau dồi giới quan nghệ thuật, phải biết phân biệt đẹp xấu và phải có sự linh hoạt “như một quả trứng.”

Anh giải thích: “Trứng có độ tùy biến rất cao. Mình có thể tìm thấy trứng ở bất kì loại đồ ăn nào trên thế giới, dù là món Á hay Âu, khai vị, món chính hay tráng miệng.” Để trụ vững trong nghề, người chụp phải linh động để có khả năng tùy biến với những yêu cầu mới từ khách hàng; vừa tránh xa những cách làm cũ kỹ, nhàm chán, vừa thỏa mãn cái tôi của bản thân trong mỗi tác phẩm.

[Ảnh: Đức Bùi/Behance]

Bài viết liên quan

Paul Christiansen

in Văn Hóa Ẩm Thực

Từ New York, cô gái trẻ Việt lan tỏa tình yêu ẩm thực nước mình qua sáng tạo hình ảnh

"Khi hiểu rõ công việc mình làm, một food stylist mới có thể thổi hồn vào món ăn mà họ trình bày," là cách mà Thư Phạm Buser, một food stylist người Việt hiện đang sinh sống và làm việc ở New York, ch...

in Văn Hóa Ẩm Thực

Đi tìm nguồn gốc món xíu mại trứ danh của Đà Lạt

Trước khi đại dịch diễn ra, ngày nào cũng vậy, góc đường Hoàng Diệu và Trần Nhật Duật ở Đà Lạt đều tấp nập chào đón những vị khách đến dùng bữa sáng. Các thực khách sẽ lần lượt thay nhau ngồi vào nhữn...

Paul Christiansen

in Xê Dịch

'Ngôi làng' bích họa mang sức sống mới đến các dốc phố Đà Lạt

Có phải COVID-19 đã làm bức tranh cuộc sống trở ảm đạm hơn rất nhiều không? Bởi sau một mùa dịch dài không được gặp gỡ hội hè, không được tham dự hòa nhạc và không được du lịch, còn mấy dịp để chúng t...

Thi Nguyen

in Văn Hóa Ẩm Thực

Bánh pía: Thức quà Trung Thu độc đáo của miền Tây, biến tấu từ phong vị người Triều Châu

Từ những món tráng miệng như chè khoai môn, chè bạch quả đến những món mặn như canh củ sen, bánh củ cải, ẩm thực đã giúp gia đình tôi lưu giữ di sản của người Triều Châu qua bao thế hệ.

in Môi Trường

Bức ảnh san hô Phú Yên của nhiếp ảnh gia Việt đạt giải của Hiệp hội Sinh học Hoàng gia Anh

Gần đây, nhiếp ảnh gia Trương Hoài Vũ đã đạt giải nhì ở hạng mục "Nhiếp ảnh gia của năm" trong cuộc thi nhiếp ảnh do Royal Society of Biology (Hiệp hội Sinh học Hoàng Gia Anh) tổ chức.

in Văn Hóa Ẩm Thực

Chả rươi: Món ngon kinh dị nức tiếng của đất Bắc

Khi Hà Nội bước vào những ngày tiết trời mát mẻ của mùa Thu, người ta bắt đầu ngóng chờ được thưởng thức một món ăn ngon mà chỉ mùa này mới có. Đó chính là chả rươi.